f

Cúi xuống để hiểu dân cần gì!

“Bình Dương đi đầu trong cả nước về phát triển nhà ở cho người lao động. UBND tỉnh Bình Dương có đề án xây dựng lần lượt hơn 64.000 căn hộ cho người lao động. Đây là đề án lớn nhất, chưa có địa phương nào có đề án như thế” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá như vậy khi tham quan căn hộ nhà ở xã hội của tỉnh Bình Dương hôm 3.4.


Bàn về nhà ở xã hội nhiều, nhưng làm có hiệu quả thì chưa. Công nhân, người lao động nghèo mơ ước có căn nhà và đã bao năm chỉ là giấc mơ. Nay ở Bình Dương, giấc mơ đó trở thành hiện thực.

5.000 căn hộ, mỗi căn có giá khoảng 100 triệu đồng, lại có chính sách trả góp mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu đồng, đó là cơ hội cho người lao động mua được nhà. Bình Dương là tỉnh công nghiệp thu hút lao động từ nhiều địa phương khác đến, người lao động ngày càng tập trung đông, chỗ ở thiếu, áp lực về xã hội rất lớn. Bài toán nhà ở cần phải giải đầu tiên trước khi giải những bài toán khác. Và mô hình căn hộ nhỏ cho dự án nhà ở xã hội là cách giải thông minh.

Mô hình căn hộ 30m2 từng được đưa ra ở địa phương khác, nhưng chưa được chấp thuận vì cho rằng quá hẹp, sẽ trở thành nhà ổ chuột. Chính vì tư duy chưa có nhỏ đã đòi to này mà dân nghèo đứng nhìn nhà to mà khóc. Tại sao khi người lao động nghèo không đủ tiền để sinh sống, mà cứ nghĩ đến nhà phải đủ diện tích theo tiêu chuẩn “trên trời”. Hãy cúi xuống thấp để thấy người nghèo cần gì.

Nhà diện tích lớn, nhưng để người dân xây cất tự phát, lộn xộn, không có quy hoạch, thiết kế nội thất không khoa học, tổ chức khu dân cư kém, giao thông không thuận lợi thì mới trở thành ổ chuột; còn làm có bài bản, quy củ, thì nhà nhỏ vẫn sạch đẹp, văn minh.

Để thực hiện được dự án nhà ở xã hội thành công như vậy, Bình Dương đã có sáng kiến đột phá hay còn gọi là “giải pháp thông minh”. Nhưng để thông minh được như vậy là xuất phát từ cái tâm thương dân, nghĩ đến dân, lo cho dân, mà đặc biệt là dân nghèo. Các nhà quản lý, doanh nghiệp đã gặp nhau ở cái điểm cốt lõi đó, mới tạo ra được chính sách và cách thực hiện hiệu quả.

Hàng trăm ngàn lao động nhập cư, chủ yếu là công nhân, thu nhập thấp. Nếu các vị lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp không trăn trở, tìm kế sách, thì người nghèo khó có được căn nhà để ở.

Nhà nhỏ nhưng có còn hơn không, ước gì các địa phương khác cũng lo được cho người lao động, người nghèo như vậy.