Bất động sản: Những dấu hiệu ấm (29/03/2015)
Kể cả việc gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ bất động sản (BĐS) giải ngân chậm, thì thị trường BĐS cho tới thời điểm này vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy đang ấm lên. Giao dịch BĐS, đặc biệt là những căn hộ chung cư dưới 2 tỷ đồng đã nhiều lên. Điều đó cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi với những tín hiệu sáng.
Trong những thảo luận bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng thị trường này sẽ còn chuyển biến tích cực hơn kể từ giữa quý II năm nay. Các nguyên nhân được đưa ra là: Thứ nhất, giá BĐS đã giảm sâu về mức tương đối phù hợp với người có nhu cầu mua nhà để ở. Tại Hà Nội, hầu hết các dự án ngoài vành đai 3 và ngoại thành đều được coi là giá khá "mềm”. Thứ hai, lượng mua bán BĐS tăng lên kể từ cuối năm 2014, và nhiều hơn vào tháng 2 và 3 của năm nay. Tuy chưa tổng hợp được số liệu giao dịch BĐS của quý I-2015, nhưng con số của quý IV/2014 cho thấy thị trường BĐS động cựa khá mạnh. Tại Hà Nội, quý IV/2014 có 3.000 giao dịch, con số đó gấp 4 lần quý I, gấp 3 lần quý II. Tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2014 có 9.400 giao dịch và quý sau luôn cao hơn quý trước. Thống kê của cơ quan chức năng, tại TP.HCM, tháng 3 vừa qua có khoảng 1.400 giao dịch BĐS thành công, tăng gần 30% so với tháng trước. Tính chung trong quý I có khoảng 3.590 giao dịch thành công, gấp 3 lần số giao dịch thành công so với cùng kỳ năm trước. Thực tế giao dịch BĐS tại hai thành phố lớn cho thấy nhịp độ mua bán BĐS tăng dần. Thứ 3, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ BĐS đã tăng trở lại, tăng trên 70 nghìn tỷ trong vòng 1 năm.
Cuối cùng là yếu tố thuế. Thuế trước bạ và thuế thu nhập cá nhân cho thuê nhà, trong lĩnh vực chuyển nhượng BĐS tăng ở thời điểm cuối 2014, là bàn đạp cho năm 2015 tăng tốc.
Thị trường BĐS ấm lên còn được cho là bởi sự cho phép chuyển dịch cơ cấu dự án, chuyển dịch cơ cấu căn hộ, quy mô hợp lý phù hợp với nhu cầu thực của người mua.
Tại thời điểm này, một số chuyên gia "thuộc trường phái lạc quan” cho rằng, BĐS năm nay đã xuất hiện dấu hiệu của cơn sốt đất cách đây 8 năm (năm 2007). Theo đó, do lãi suất hạ nhiệt, vốn FDI tăng, chứng khoán lên đỉnh rồi điều chỉnh mạnh đẩy dòng tiền chuyển sang nhà đất, tính thanh khoản cao và việc tăng giá cục bộ là những dấu hiệu của cơn sốt BĐS quay đầu trở lại.