f

Thực trạng và giải pháp phát triển dịch vụ xã hội đô thị Việt Nam

Ngày 15/4, Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển dịch vụ xã hội đô thị Việt Nam” do Bộ Xây dựng tổ chức tại Khu đô thị Ecopark, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Tham dự Hội tháo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh và đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan Bộ, ngành, hiệp hội và đại diện các tổ chức quốc tế tham dự sự kiện này.

Với mục tiêu đẩy nhanh quá trình phát triển hệ thống dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng khả năng tiếp cận, thụ hưởng của cư dân đô thị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng thay mặt Chính phủ xây dựng Đề án “Đánh giá và định hướng phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị đến năm 2020”. Cuộc hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển dịch vụ xã hội đô thị Việt Nam” là một trong những bước cụ thể hóa, xây dựng đề án nêu trên.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá: Trong thời gian qua, nhiều đô thị được mở rộng về quy mô không gian. Dân số, mật độ dân cư tại các khu vực nội độ ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, quá trình mở rộng, tăng trưởng này không diễn ra đồng đều mà chủ yếu diễn ra tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM. Ngược lại, tại nhiều đô thị nhỏ và vừa lại diễn ra quá trình sụt giảm dân số do dân cư di chuyển về các trung tâm đô thị lớn.


Đô thị phát triển là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Các hoạt động kinh tế tại các khu vực đô thị đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển chung của toàn xã hội. Với sự phát triển đô thị và mở rộng như hiện nay, việc hình thành và phát triển hệ thống dịch vụ xã hội, đồng thời hoàn thiện hệ thống dịch vụ xã hội trong đô thị đã đóng vai trò quan trọng, làm tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và mang lại nguồn thu lớn cho các đô thị.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh, việc phát triển đô thị mới chú trọng đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị mà chưa quan tâm đến lĩnh vực hạ tầng xã hội cũng như dịch vụ gắn liền với nó của chính quyền đô thị đã làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.

Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là sự thiếu vắng những định hướng phát triển tổng thể toàn diện cho hệ thống dịch vụ xã hội đô thị, chưa có các chính sách khuyến khích phát triển, xã hội hóa các nguồn đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạch tranh của các nhà cung cấp dịch vụ trong nước, thiếu các hành lang pháp lý minh bạch chặt chẽ nhằm kiểm soát chất lượng dịch vụ đảm bảo quyền lợi của người dân sử dụng dịch vụ.

Ông Nguyễn Quang - Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN Habitat) tại Việt Nam đưa ra quan điểm cần thực hiện các quy tắc bắt buộc để phát triển dịch vụ đô thị. Các quy tắc này luôn luôn phải đảm bảo tính công khai minh bạch và được tất cả các bên tham gia gồm cả chủ đầu tư, bên cung cấp dịch vụ và cư dân sinh sống tại KĐT. Công khai minh bạch về mức phí dịch vụ, về tiện ích hạ tầng chung riêng, về tiêu chuẩn, chất lượng của hệ thống dịch vụ công cộng như bệnh viện, trường học, vui chơi giải trí, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong cả quá trình vận hành khu đô thị.

Ông Đào Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển KĐT Việt Hưng, chia sẻ: Trên địa bàn cả nước đã và đang triển khai khoảng 1.500 dự án nhà ở và KĐTM với nhiều quy mô khác nhau, đã góp phần thay đổi diện mạo của đất nước. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nảy sinh khi các KDTM đi vào hoạt động như: Sự xuống cấp của hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, sự thiếu thốn, yếu kém của hạ tầng xã hội, chất lượng dịch vụ công ích không tương xứng… Đây thực sự là những thách thức lớn đối với các nhà quản lý.

“Đứng trước thách thức đó, với vai trò là một nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp, chúng tôi rất mong muốn sẽ được tiếp thu, lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao quản lý và phát triển dịch vụ xã hội đô thị cũng như cùng các DN khác trong ngành đưa ra các đề xuất xây dựng, hoàn thiện các chính sách về quản lý, phát triển dịch vụ xã hội đô thị.” - ông Thanh nói.

Các diễn giả quốc tế với các chủ đề liên quan đến các hướng dẫn quốc tế về tiếp cận dịch vụ cơ bản cho người dân, các giải pháp phát triển đô thị gắn liền với cung cấp các dịch vụ xã hội cho người dân, kinh nghiệm cung cấp nước sạch tại Nhật Bản… Các diễn giả cũng chia sẻ với hội thảo về những kinh nghiệm phát triển cũng như các thực tế tiên tiến đang được áp dụng tại những quốc gia khác trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Hà Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) ghi nhận: Những nội dung các diễn giả, chuyên gia đã chia sẻ sẽ là những gợi ý tốt cho các nhà quản lý, người làm công tác đào tạo, tư vấn trong công tác quản lý phát triển dịch vụ xã hội đô thị và việc thực hiện công tác phát triển dịch vụ xã hội trong các đô thị tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á. Nếu như vào năm 1986 tỷ lệ dân cư sống tại đô thị Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 19% thì đến năm 2013 tỷ lệ này đã đạt gần 34%. Dự kiến đến 2020 tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam sẽ đạt 45%. TP Hà Nội (dân số khoảng 7 triệu người) và TP HCM (dân số nội thị khoảng 10 triệu người) hiện nằm trong danh sách các TP lớn nhất của khu vực.