f

Tạo lập bản sắc đô thị trong quá trình đô thị hóa

Tạo lập bản sắc đô thị trong quá trình đô thị hóa

Các đô thị cấp huyện, cụm khu dân cư nông thôn là nơi chứa đậm bản sắc của lối sống Việt Nam, của đặc thù về điều kiện tự nhiên thì còn ít được nhận diện bản sắc để có giải pháp gìn giữ thích hợp.
 Đã đến lúc cần xem xét lại phân loại đô thị không chỉ theo các tiêu chí chung của cả nước mà cần xem xét tính đặc thù của các đô thị theo vùng, miền như: ven biển khác miền núi, khác đồng bằng. Đô thị chức năng du lịch, kinh tế đặc thù khác chức năng trung tâm hành chính. Trong giai đoạn tới, đây là yêu cầu cần thiết để tạo điều kiện đô thị hóa nhanh mà vẫn giữ gìn được bản sắc.
Khái niệm đô thị hóa (ĐTH) được hiểu là quá trình chuyển biến về kinh tế - văn hóa xã hội gắn liền với tiến bộ khoa học kỹ thuật được diễn ra với sự chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển các hoạt động về văn hóa, nghề nghiệp, chuyển đổi lối sống, mở rộng không gian và hệ thống kết cấu hạ tầng song hành cùng với bộ máy quản lý.
Trên thế giới, ĐTH đã diễn ra từ a cổ đại, Việt Nam với vị trí địa lý đặc thù, là nơi giao thoa của các nền văn minh - văn hóa lớn của thế giới đã là quốc gia đô thị hóa lớn ngay từ thời cổ đại. Trải qua thời gian Bắc thuộc, phong kiến tự chủ, Pháp thuộc và từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay, Việt Nam phát triển và chịu tác động của nhiều nền văn hóa nhưng đô thị Việt Nam vẫn tạo lập và giữ được bản sắc.
Bản sắc của văn hóa nói chung, của kiến trúc nói riêng đã được nhiều nghiên cứu đề cập đến. Tuy nhiên, bản sắc đô thị nói chung hay của kiến trúc đô thị đặt ra trong bối cảnh hiện nay vẫn còn là những vấn đề cần trao đổi. Đó là tốc độ ĐTH, sự gia tăng các đô thị lớn đã chuyển dịch từ phương Tây sang phương Đông và xu thế phát triển bền vững đã trở thành vấn đề toàn cầu hóa, là thách thức không chỉ với các đô thị đã hình thành mà với cả các đô thị sẽ hình thành. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta càng cần phải thấy rõ những đặc thù riêng của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, trước hết là từ bản sắc đô thị.
Định hướng tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam
Từ năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 10/1998/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Việt Nam đến năm 2020. Mạng lưới đô thị quốc gia đã nhanh chóng được mở rộng, phát triển. Bên cạnh những kết quả đạt được cả về số lượng và chất lượng cũng bộc lộ những tồn tại rõ nét là đô thị chưa có bản sắc, bộ mặt kiến trúc đô thị, cảnh quan còn lộn xộn. Nhiều yếu tố mới trong hội nhập, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững chưa được quan tâm thỏa đáng. Để giải quyết những tồn tại, đồng thời thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2050 (Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009) với các chỉ tiêu: Dân số đô thị đến năm 2025 khoảng 25 triệu người chiếm 50% dân số cả nước và số đô thị cả nước khoảng 1000 đô thị với diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 450.000 ha, chiếm 1,4% diện tích đất tự nhiên cả nước.
Để thực hiện các chỉ tiêu này, rất cần nhìn lại tốc độ ĐTH thời gian qua. Năm 1999 cả nước có 629 đô thị với tỷ lệ ĐTH toàn quốc là 20,7%. Năm 2009, có 754 đô thị với tỷ lệ ĐTH khoảng 30%. Giai đoạn này có tốc độ tăng dân số đô thị bình quân là 3,4%. Đến năm 2014, cả nước đã có hơn 770 đô thị, với tỷ lệ ĐTH là gần 34%.
Trong giai đoạn 5 năm (2009 - 2014) bên cạnh tăng trưởng về số lượng, điều rất cần chú ý là chất lượng đô thị đã có chuyển biến, có tới 59 đô thị được công nhận, nâng loại đô thị. Hướng phát triển mạng lưới đô thị được gắn kết với 6 vùng kinh tế - xã hội quốc gia.
Các đô thị có chức năng trung tâm cấp quốc gia và vùng đô thị được chú trọng phát triển về chất lượng và giữ gìn bản sắc như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long…
Song, các đô thị cấp huyện, cụm khu dân cư nông thôn lại là nơi chứa đậm bản sắc của lối sống Việt Nam, của đặc thù về điều kiện tự nhiên thì còn ít được nhận diện bản sắc để có giải pháp gìn giữ thích hợp. Đã đến lúc cần xem xét lại phân loại đô thị không chỉ theo các tiêu chí chung của cả nước mà cần xem xét tính đặc thù của các đô thị theo vùng, miền như: ven biển khác miền núi, khác đồng bằng. Đô thị chức năng du lịch, kinh tế đặc thù khác chức năng trung tâm hành chính. Trong giai đoạn tới, đây là yêu cầu cần thiết để tạo điều kiện đô thị hóa nhanh mà vẫn giữ gìn được bản sắc.

Tiếp cận các yếu tố tạo lập bản sắc đô thị

Cấu trúc và mô hình đô thị:
Cấu trúc đô thị không chỉ phản ánh sự vận động của lực lượng sản xuất mà còn bao hàm triết lý văn hóa - xã hội của cộng đồng. Với Việt Nam còn là sự chuyển tiếp từ nếp sống nông thôn sang nếp sống công nghiệp và quan niệm phong thủy, tâm linh trước lối sống hiện đại. Trên thế giới và ngay cả Việt Nam, cũng có những quan điểm cho rằng với sản xuất công nghiệp, nếp sống hiện đại cần những mô hình, cấu trúc đô thị hiện đại như nhau và xem yếu tố truyền thống chỉ là của quá khứ.
Cách nhìn nhận này đã tạo nên cấu trúc đô thị “điển hình” hoặc hình mẫu chung cho mọi đô thị vùng miền. Bài học này từ cuối thế kỷ 20 đã được thế giới tổng kết và khẳng định rằng “chỉ có bảo tồn, phát huy các giá trị di sản truyền thống” mới tạo lập được cấu trúc đô thị hiện đại để phát triển bền vững.
Hà Nội là một đô thị điển hình về quá trình diễn biến trong cấu trúc đô thị. Nơi đây tập trung gần như đầy đủ các yếu tố trong cấu trúc đô thị truyền thống Việt Nam, từ cảnh quan thiên nhiên (cây xanh, sông, hồ…), từ các kiến trúc cổ truyền thống, từ các điểm dân cư “thị” của thời phong kiến, đến các di sản đô thị dân gian, cận hiện đại chịu ảnh hưởng của văn hóa Châu Âu, cùng các truyền thuyết, huyền thoại, nếp sống văn hóa truyền thống song luôn phát triển với đặc trưng văn hóa riêng.
Lịch sử phát triển với các quy hoạch không gian đều luôn khẳng định trung tâm thành phố là trung tâm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Các không gian cảnh quan kiến trúc đô thị, các loại hình kiến trúc công trình từ làng cổ, phố cổ, khu phố cũ được gìn giữ với chuyển hóa thích hợp. Tất cả được đan xen hài hòa để tạo thành một tổng thể thích hợp, hòa quyện với cảnh quan, cây xanh, mặt nước.
Với định hướng như vậy, dù kết quả thực hiện và yêu cầu quản lý còn một vài tồn tại, song Hà Nội đã thực sự tạo lập được bản sắc riêng, được cả nước và bạn bè trên thế giới đánh giá cao và là điểm đến của đô thị.
Trong định hướng phát triển đô thị Việt Nam, không thể xác định mẫu “cấu trúc điển hình” cho các đô thị mà mỗi đô thị phải từ nhận diện quỹ di sản của mình để tạo lập cấu trúc đô thị có bản sắc riêng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, đặc trưng dân số, trình độ khoa học kỹ thuật, văn hóa lịch sử của từng địa phương.

Bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái đô thị:

Đô thị với hệ thống chức năng đa dạng, đan kết của nhiều khu chức năng được xem là hệ sinh thái riêng - hệ sinh thái đô thị có sự tương hỗ giữa cấu trúc đô thị và môi trường thiên nhiên và là hệ sinh thái “động” có chuyển hóa nội tại. Với lịch sử phát triển của các đô thị Việt Nam cần phải xem xét đến yếu tố liên kết giữa hệ sinh thái đô thị với hệ sinh thái nông thôn - sinh thái thiên nhiên của ngoại thành, ngoại thị và của vùng xung quanh.
Để tạo lập bản sắc đô thị cần nhận diện và bảo vệ hệ khung thiên nhiên của đô thị: rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, vườn Quốc gia, sông hồ cây xanh và tạo lập vùng ngoại thành, ngoại thị thích hợp với đô thị trung tâm.
Phát triển đô thị Việt Nam vừa qua đã được chú trọng đến các yêu cầu trên, thậm chí còn có khuynh hướng mở rộng đô thị ra ngoại thành ngoại thị. Hà Nội được mở rộng địa giới năm 2008 với diện tích đất tự nhiên là 3344km2. Theo Quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2011 thì đến năm 2030 dân số đô thị dự tính khoảng 9 - 9,2 triệu, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65 - 68%, tổng diện tích đất xây dựng đô thị chỉ chiếm 947 km2 (khoảng 28,3% diện tích tự nhiên) còn lại hơn 70% là nông nghiệp, lâm nghiệp. Điểm dân cư nông thôn TP Hồ Chí Minh với diện tích 2.095 km2 theo quy hoạch chung được duyệt năm 2010 thì đến năm 2015 dân số khoảng 10 triệu người (nội thành 7 - 7,4 triệu, ngoại thành 2,6 - 3,0 triệu) đất xây dựng đô thị khoảng 900 - 1.000km2 còn lại là ngoại thành với hơn 100 km2. Xu hướng này không chỉ với các đô thị lớn mà còn là chung với nhiều đô thị khác trong bối cảnh phát triển bền vững và tác động của biến đổi khí hậu đang được cả thế giới quan tâm thì xu hướng của Việt Nam không chỉ thể hiện đặc trưng của đô thị Việt Nam mà còn phù hợp với xu thế đô thị hóa toàn cầu.
Vấn đề đặt ra là ngoại thành, hệ sinh thái nông nghiệp được phát triển thế nào để phù hợp với chức năng từng đô thị và xây dựng nông thôn mới ngoại thành, ngoại thị không chỉ theo định hướng xây dựng nông thôn mới nói chung mà còn cần xác định các tiêu chí đặc thù cho đô thị.

Phát triển kiến trúc cảnh quan, kiến trúc đô thị có bản sắc

Mỗi đô thị Việt Nam trong lịch sử hình thành và phát triển đều chứa đựng bản sắc riêng về kiến trúc. Để tạo lập bản sắc cho đô thị cũng cần hình thành bộ mặt kiến trúc cảnh quan, kiến trúc đô thị và kiến trúc công trình để tạo nên hình ảnh đô thị tương xứng.
Nhìn lại quá trình phát triển kiến trúc nói chung, kiến trúc đô thị Việt Nam nói riêng chúng ta khẳng định đã có những chuyển biến song cũng phải thừa nhận rằng kiến trúc Việt Nam chưa khẳng định được trường phái, phong cách kiến trúc mà chỉ mới có một số xu hướng sáng tác, nguyên nhân thì có nhiều song cũng có thể khẳng định là chưa xác lập được bản sắc đô thị để định hướng phát triển kiến trúc.
Để giải quyết rất cần nâng tầm và tạo lập mối quan hệ tương hỗ giữa những người làm công tác quy hoạch xây dựng với KTS thiết kế công trình và các nhà quản lý.
Tạo lập bản sắc đô thị là giải pháp tạo bước phát triển mạnh mẽ về văn hóa – xã hội gắn với phát triển bền vững và là cơ số để đất nước phát triển nhanh. Đây cũng là vấn đề đa ngành còn cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa. Một số vấn đề nêu trên chỉ là bước đầu cảm nhận rất mong được trao đổi.
Trên thế giới và ngay cả Việt Nam, cũng có những quan điểm cho rằng với sản xuất công nghiệp, nếp sống hiện đại cần những mô hình, cấu trúc đô thị hiện đại như nhau và chỉ xem yếu tố truyền thống chỉ là của quá khứ. Cách nhìn nhận này đã tạo nên cấu trúc đô thị “điển hình” hoặc hình mẫu chung cho mọi đô thị vùng miền. Bài học này từ cuối thế kỷ 20 đã được thế giới tổng kết và khẳng định rằng “chỉ có bảo tồn, phát huy các giá trị di sản truyền thống” mới tạo lập được cấu trúc đô thị hiện đại để phát triển bền vững.